Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Chăn nuôi bò


NUÔI BÒ NHỐT CHUỒNG LÀ HƯỚNG ĐI MỚI CỦA NHIỀU NGƯỜI DÂN TRÊN CẢ NƯỚC


Ảnh minh họa nuôi bò nhốt chuồng

Bò là con vật dễ nuôi và mang lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi. Nuôi bò nhốt chuồng - hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi ở xã Lam Sơn (Thanh Hóa)

Nuôi bò nhốt chuồng – hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi ở xã Lam Sơn (Ngọc Lặc).

Xã Lam Sơn (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) được thành lập năm 2004 trên cơ sở tách ra từ Nông trường Lam Sơn cũ. Xã có tổng diện tích 1.288,4 ha, trong đó, Công ty TNHH một thành viên Lam Sơn đã sử dụng 700 ha, còn lại hơn 588 ha chủ yếu là đất thổ cư.

Do diện tích đất sản xuất ít (đất nông nghiệp chỉ khoảng 100 ha) nên những năm trước đây cuộc sống của người dân trong xã gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức 10,4% (năm 2006). Thực hiện chủ trương của huyện Ngọc Lặc về phát triển tiểu - thủ công nghiệp và chăn nuôi, xã đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, có giá trị kinh tế cao, đặc biệt, nuôi bò nhốt chuồng được coi là bước đột phá.

Để khuyến khích người dân phát triển và duy trì phương thức nuôi bò nhốt chuồng, xã đã đấu mối với các ngân hàng tạo điều kiện cho nông dân vay vốn đầu tư mở rộng chuồng trại, giống, thức ăn và mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho đàn bò đến các hộ trong xã. Vì vậy đã nâng tổng đàn bò của xã lên khoảng 700 con và được các hộ dân nuôi theo phương thức nhốt chuồng. Ước tính mỗi năm toàn xã xuất bán cho thương lái hơn 200 con bê con, với trị giá 25 đến 30 triệu đồng/con, thu về khoảng từ 5 - 6 tỷ đồng. Từ việc phát triển chăn nuôi bò và bò sinh sản nhốt chuồng, nhiều hộ dân trong xã có thu nhập từ 100 - 160 triệu đồng/năm. Thấy được hiệu quả kinh tế từ nuôi bò nhốt chuồng, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư phát triển đàn bò tại gia đình.

Đến thăm gia đình anh Trần Sỹ Lương, thôn 6, người có thâm niên nuôi bò nhốt chuồng hơn 10 năm nay, anh cho biết: Nuôi bò nhốt chuồng không khó, tránh được gió, rét, vệ sinh chuồng tốt nên đàn bò lớn nhanh, khỏe, phục vụ tốt nhu cầu cày kéo sản xuất nông nghiệp và sinh sản. Trong quá trình nuôi, luôn chủ động phòng bệnh cho đàn bò, đồng thời tận dụng các phụ phẩm như ngô, mía làm thức ăn cho bò. Trồng 1 ha mía vất vả cả năm cũng chỉ được lãi khoảng 20 triệu đồng, nhưng nuôi bò nhốt chuồng, vừa không vất vả lại có thu nhập cao. Hiện gia đình anh Lương đang nuôi 9 con, 5 con sinh sản. Ban đầu gia đình anh ít vốn, nên chỉ đầu tư vài ba con theo phương thức “lấy ngắn nuôi dài”, khi có vốn lớn anh đầu tư chuồng trại và bò giống, có thời điểm đàn bò sinh sản của gia đình anh lên đến 15 con. Hằng năm, trừ chi phí, gia đình anh Lương có nguồn thu khoảng 120 triệu đồng từ tiền bán bê con.

Phát triển chăn nuôi bò nhốt chuồng ở xã Lam Sơn thực sự đem lại hiệu quả kinh tế và đang trở thành ngành sản xuất chính của người dân. Nuôi bò nhốt chuồng không chỉ giúp người dân địa phương tìm được lời giải cho bài toán phát triển kinh tế hộ, mà còn góp phần cùng chính quyền huyện Ngọc Lặc, tuyên truyền nhân rộng mô hình ra nhiều xã khác trong huyện. Qua đó, giúp người chăn nuôi ở khu vực miền núi dần thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông, chuyển sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Hiện nay hướng nuôi bò nhốt chuồng phổ biến được nhân rộng trên nhiều tỉnh trên cả nước.

TT



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét