Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

Lúa nước Quê tôi - xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định

Họ và tên: Trần Thị Trang Quê quán: Canh Hiệp, Vân Canh, Bình Định Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Huế, chuyên ngành: Kinh tế Nông nghiệp Đơn vị công tác: UBND xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định Phụ trách lĩnh vực: Kinh tế

“Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”
Vâng! mỗi khi lời bài hát ngân lên trong lòng tôi lại rạo rực lên một cảm xúc khó tả. Trong ta ai cũng có một quê hương, một vùng đất để khi đi xa mà thương mà nhớ, một vùng đất để khi trưởng thành nhìn lại 1 thời của tuổi thơ với những kỷ niệm ngọt ngào.
Tự hào biết mấy khi tôi được sinh ra trên mảnh đất này, nơi đây đã để lại trong ký ức tuổi thơ tôi biết bao vui buồn đó là những buổi chăn bò, tắm sông, những buổi chiều đói bụng chờ ba mẹ đi rẩy về…, quê hương nơi tôi sinh ra và lớn lên là một xã nghèo, đời sống của bà con xã nhà còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2010 tốt nghiệp trường Đại học kinh tế Huế, với chuyên ngành kinh tế nông nghiệp, tôi đã xin vào làm việc tại xã nhà với mong muốn sẽ đem một phần công sức của mình vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Năm 2012 Đảng và Nhà Nước có chủ trương đưa 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã ở các xã nghèo, tôi đã mạnh dạn tham gia và rất vinh dự là đã trúng tuyển và trở thành 20 đội viên của dự án 600 PCT tỉnh Bình Định. May mắn hơn là tôi lại được phân công về công tác tại địa phương mình.
Từ khi được bầu trúng cử chức danh PCT UBND xã Canh Hiệp, tôi được phân công phụ trách lĩnh vực kinh tế trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực và địa bàn công tác do chủ tịch phân công, chủ động xây dựng chương trình kế hoạch triển khai các công việc theo lĩnh vực phân công trên địa bàn. Chịu trách nhiệm cá nhân trước chủ tịch, trước UBND và Hội đồng nhân dân xã về lĩnh vực được giao, về những quyết định chỉ đạo điều hành của mình, cùng chủ tịch và các thành viên khác của UBND chịu trách nhiệm tập thể về toàn bộ hoạt động của UBND trước Đảng ủy, Hội đồng nhân dân xã và UBND huyện. Quá trình chỉ đạo, điều hành tôi luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, Nghị quyết của Đảng ủy và chương trình công tác trọng tâm của UBND xã Canh Hiệp, tham mưu cho chủ tịch các vấn đề thuộc lĩnh vực mình quản lý. Tôi luôn nhận được sự ủng hộ, quan tâm và tạo điều kiện về mọi mặt giúp tôi có điều kiện tiếp cận, khái quát tình hình tổ chức, bộ máy cán bộ và chức năng nhiệm vụ của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, UBMTTQVN và các đoàn thể xã Canh Hiệp. Hiện nay tôi đã được lãnh đạo cơ quan quan tâm bố trí một phòng làm việc riêng.
Trong quá trình làm việc tôi luôn nhận được sự giúp đỡ, chỉ bảo nhiệt tình của các cô chủ lãnh đạo và các anh chị cán bộ công chức, công nhân viên của xã tạo điều kiện cho tôi có một môi trường làm việc thực sự thoải mái, thân thiện và hiệu quả.
Canh Hiệp là một xã nghèo của Huyện Vân Canh, được hưởng chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ. Nằm tiếp giáp trung tâm Huyện 1km về phía Đông, có diện tích tự nhiên 12.502,97ha chiếm 15,62% diện tích toàn Huyện. Địa hình của xã trải dài, phân tán không tập trung, các thôn làng trong xã bị chia cách bởi các dãy núi, vì thế làm cho việc liên thông giữa các thôn làng trong xã cũng như với các địa phương khác trong huyện gặp nhiều khó khăn. Chính vì với vị trí địa lý như vậy đã ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Toàn xã có 5 thôn/làng với 558 hộ, 2155 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Chăm (86%) và kinh sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2013 là 80,95 %. Ngành sản xuất chính của xã là nông - lâm nghiệp. Trồng lúa nước là ngành sản xuất có từ lâu đời của bà con nơi đây. Là một xã sản xuất nông nghiệp nhưng mạng lưới thủy lợi chưa được quan tâm, trong xã vẫn chưa có một hệ thống tưới tiêu nào phục vụ cho sản xuất. Chính vì vậy mà các hộ nông dân nơi đây chỉ sản xuất được một lúa Đông xuân.
Để làm ruộng người dân chủ yếu là sử dụng nguồn nước tự nhiên từ các con suối là chủ yếu. Mà đặc điểm của nguồn nước này thì thường là thiếu nước về mùa hè và thừa nước vào mùa mưa. Điều này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân sinh sống trên địa bàn xã, đặc biệt là ảnh hưởng lớn đến năng xuất lúa của bà con. Với trình độ kỹ thuật còn lạc hậu cộng vào đó sản xuất lúa còn phụ thuộc nhiều vào nước trời đặc biệt là đứng trước tình hình diễn biến khí hậu nắng hạn như hiện nay: nắng nóng kéo dài, mưa ít nên năng suất lúa đem lại không cao. Tuy vậy nhưng bà con quê tôi vẫn hăng say lao động không nãn chí. Người dân quê tôi thường gọi mùa gặt là “mùa vàng”. Cũng phải thôi, tới mùa gặt thì mọi người ai ai cũng tất bật bận rộn, cả người lớn, trẻ con, trai hay gái cũng đều ra đồng để thi nhau gặt lúa. Phụ nữ thì gặt lúa, đàn ông thì dồn lúa rồi gánh lên bờ, còn đám trẻ con thì chăn bò, nô đùa tung tăng, tiếng cười nói to, nhỏ, khúc khích thăng rồi lại trầm như một khúc nhạc du dương tất cả hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh đồng quê thật đẹp. Mặc dù năng xuất đem lại không cao nhưng niềm vui luôn thấp thoáng những nụ cười tươi roi rói. Vì những hạt lúa này được làm ra nhờ nguồn nước trời, nên dù năng suất thế nào họ vẫn cho rằng đó là kết quả do trời ban tặng. Có thể coi mùa gặt là mùa vui nhất ở xã tôi, những bông lúa trĩu nặng là thành quả của bao tháng ngày mong chờ, chăm sóc, có cả trong đó những giọt mồ hôi, sự mong mỏi, hy vọng vào một ngày mùa no đủ của bà con nông dân vùng quê nghèo. Mùa gặt cũng là mùa vui chơi cho lũ trẻ làng, người lớn người nhỏ trưa hè đều ra suối tắm, nước suối vùng cao về mùa hè trong vắt và mát mẻ, nhìn là muốn tắm rồi, người dân quê tôi cũng thật thà chất phác như sông, như suối, như lúa vậy. Được mùa thì cứ rung rinh đung đưa vui đùa cùng nắng cùng gió mà không được mùa thì họ cũng vẫn vui, không bao giờ bi quan, tuyệt vọng.
Những ngày mùa gặt hái với những bông lúa vàng trĩu nặng được người dân gánh từ ruộng đồng về nhà, mang nặng nghĩa tình của người dân quê tôi một nắng hai sương để làm ra hạt lúa. Công việc đồng áng của nhà nông luôn nặng nhọc, vất vả nhưng hơn ai hết, chính họ là là những người nông dân thật thà chất phác, trong sáng và lạc quan dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Lúa chín vàng trên những cánh đồng bát ngát, người nông dân rộn rã với niềm vui thu hoạch, rồi đây trong sân nhà của mỗi gia đình đều có chung một màu đó là màu vàng của lúa, căn bếp của mỗi nhà có chung một mùi thơm của lúa mới.
“Đầu mùa gieo lúa, cuối mùa được lúa. Đầu mùa gieo đậu, cuối mùa gieo đậu”, đây là lối sống của người dân quê tôi, họ không hề đòi hỏi bất cứ một điều gì, họ luôn bằng lòng với những gì đang diễn ra xung quanh họ mặc cho ở đâu đó người ta bon chen, tranh đua, giành dật tất bật với cuộc sống sôi động thời hiện đại.
Mùa gặt của người dân quê tôi là vậy, tuy năng suất lúa không cao nhưng người dân quê tôi vẫn vui tươi và hạnh phúc. Đứng trước tình hình đó tôi luôn tự nhủ lòng mình phải tìm cách để đem lại năng suất lúa cao, không những giúp bà con đảm bảo được nguồn lương thực hằng ngày mà còn có thể kiếm thêm thu nhập từ sản xuất lúa.
Đây là vùng đất đã sinh ra và nuôi dưỡng tôi nên người, niềm vui của họ là niềm vui của tôi, nổi vui sướng của họ là sự sung sướng của tôi và niềm hạnh phúc của họ cũng chính là niềm hạnh phúc của tôi. Tôi hiểu và đồng cảm với bức tranh đồng quê này. Tôi ước gì người dân quê tôi sẽ luôn vui vẻ, mạnh khỏe, mong cho mọi điều tốt đẹp sẽ đến với tất cả mọi người.
Đây chính là lúc để tôi thực hiện được điều trăn trở bấy lâu nay, tôi sẽ cố gắn phấn đấu học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm, tìm hiểu thêm về các loại giống lúa thích hợp với vùng cao thiếu nước như xã tôi để tăng năng suất. Đồng thời tôi cũng mong Đảng và nhà nước quan tâm tạo điều kiện xây dựng cho xã tôi các công trình thủy lợi để cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất lúa, như vậy thì niềm vui của người dân quê tôi sẽ được nhân đôi.


 “Thành công là một cuộc hành trình
chứ không phải là điểm đến”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét