Nuôi dê nhốt chuồng đem lại hiệu quả kinh tế cao
Nguồn tin: Báo Dak Lak, 17/09/2013
Ngày cập nhật: 24/9/2013
Nuôi dê theo phương thức nhốt chuồng giúp gia đình anh Lê Đình Khương có nguồn thu nhập ổn định.
Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Trần Công Huy, thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, xây dựng, giới thiệu cho người dân nhiều mô hình mới để áp dụng, nhân rộng. Trong đó, mô hình nuôi dê nhốt chuồng được một số hộ triển khai thử nghiệm vào năm 2004, thì đến nay đã có gần 30 hộ áp dụng. Nhiều hộ trước đây thuộc diện nghèo của xã nay đã trở nên khấm khá nhờ áp dụng mô hình này. Điển hình là gia đình anh Lê Đình Khương ở thôn 1B, trước đây khởi nghiệp bằng nghề nuôi heo, nhưng do chưa có kinh nghiệm, ít vốn đầu tư nên cũng chỉ đủ “lấy công làm lãi”. Năm 2004, sau khi được tham quan mô hình, anh quyết định phá bỏ gần 1 sào cà phê già cỗi để làm chuồng và mua 7 con dê giống về nuôi. Do biết cách chăm sóc nên đàn dê của anh không ngừng sinh sản, phát triển, đến nay đã có 25 con dê mẹ và đàn dê thịt hơn 70 con. Bình quân mỗi năm gia đình anh xuất bán 100 con dê giống, với giá giao động 100.000 - 130.000 đồng/kg, thu khoảng 200 triệu đồng/năm. Anh Khương cho biết: dê là con vật dễ nuôi, thức ăn chủ yếu từ cây cỏ tự nhiên như cây keo, dâm bụt, lá mít… có sẵn ở địa phương, chuồng trại đơn giản nên mô hình này phù hợp với những hộ ít vốn. Hơn nữa, nuôi dê theo phương thức nhốt chuồng đem lại nhiều lợi ích: không mất công chăn thả, không bị lây nhiễm nguồn bệnh từ bên ngoài, rủi ro thấp, có nguồn phân ủ hoai mục để chăm bón thêm cho cây cà phê.
Tương tự, gia đình anh Trần Văn Mạnh ở thôn 4A cũng thuộc diện nghèo khó, nhưng nhờ sớm biết áp dụng mô hình này vào sản xuất nên đời sống đã bớt khó khăn. Bắt đầu từ 4 con dê giống, chỉ sau gần 4 năm chăn nuôi, đàn dê của gia đình anh đã phát triển lên 30 con, mỗi năm trừ chi phí cũng thu vài chục triệu đồng. Theo anh Mạnh, để nuôi dê nhốt chuồng đạt hiệu quả kinh tế, ngoài kinh nghiệm ra, việc áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi rất quan trọng. Người nuôi dê phải biết áp dụng kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Vì là loại động vật không ưa độ ẩm cao nên chuồng trại cho dê cần phải đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng, tránh nắng nóng và ẩm ướt. Khi làm chuồng, tùy theo đặc điểm từng vùng, từng nhà cụ thể mà xác định vị trí và hướng chuồng thích hợp để tận dụng yếu tố thuận lợi và hạn chế tối đa các yếu tố bất lợi của thời tiết đối với dê. Trước chuồng nuôi cần có khoảng sân rộng để theo dõi, quản lý đàn dê, cũng như khi bắt dê để kiểm tra, phối giống, cho ăn và phòng trị bệnh. Nhưng quan trọng hơn cả là tránh cho dê giao phối đồng chủng để bảo đảm năng suất, chất lượng con giống.
Mô hình nuôi dê nhốt chuồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nguồn vốn đầu tư ít lại tận dụng được công lao động nên rất phù hợp với bà con nông dân, nhất là những hộ nghèo ở nông thôn. Do vậy, thời gian tới, UBND xã Hòa Tiến sẽ tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể tuyên truyền, tổ chức tập huấn kỹ thuật, chủ động trong công tác tiêm phòng dịch nhằm nhân rộng mô hình trên địa bàn, hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp con giống, qua đó góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Nguyễn Xuân
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét